Để bạn dễ hình dung về hợp đồng tương tự trong đấu thầu, hãy coi bên mời thầu lựa chọn nhà thầu giống như một doanh nghiệp tuyển dụng nhân viên vậy. Doanh nghiệp cần phải phỏng vấn để tìm ra các ứng viên “có kinh nghiệm" phù hợp với vị trí tuyển dụng. Bên mời thầu cũng vậy, họ cần lựa chọn nhà thầu đã có kinh nghiệm triển khai / thực hiện các gói thầu tương tự thông qua CV chính là hợp đồng tương tự đã thực hiện. Dưới đây bidwinner sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về hợp đồng tương tự trong đấu thầu mua sắm hàng hóa.

Quy định về hợp đồng tương tự trong đấu thầu mua sắm hàng hóa

Tại Mục 2 Chương 3 - Mẫu hồ sơ mời thầu theo thông tư số 05/2015/TT-BKHĐT quy định về hợp đồng tương tự đối với gói thầu mua sắm hàng hóa như sau:

Hợp đồng cung cấp hàng hóa tương tự là hợp đồng trong đó hàng hóa được cung cấp tương tự với hàng hóa của gói thầu đang xét và đã hoàn thành, bao gồm:

- Tương tự về chủng loại, tính chất: có cùng chủng loại, tương tự về đặc tính kỹ thuật và tính năng sử dụng với hàng hóa của gói thầu đang xét;

- Tương tự về quy mô: có giá trị hợp đồng bằng hoặc lớn hơn 70% giá trị của gói thầu đang xét.

Trường hợp trong HSMT yêu cầu nhà thầu đã thực hiện từ hai hợp đồng tương tự trở lên thì nhà thầu phải đáp ứng tối thiểu một hợp đồng với quy mô, tính chất tương tự gói thầu đang xét. Quy mô của các hợp đồng tương tự tiếp theo được xác định bằng cách cộng các hợp đồng có quy mô nhỏ hơn nhưng phải bảo đảm các hợp đồng đó có tính chất tương tự với các hạng mục cơ bản của gói thầu đang xét.

Tiêu chí đánh giá hợp đồng tương tự

Theo quy định của pháp luật hiện hành không có quy định hợp đồng tương tự là hợp đồng giống bao nhiêu phần trăm. Chính vì vậy bên mời thầu sẽ đưa ra quy định cụ thể thế nào là hợp đồng tương tự trong Chương IV - Mục 2 - Biểu mẫu bên mời thầu: Mẫu sô 03: TIÊU CHUẨN ĐÁNH GIÁ VỀ NĂNG LỰC VÀ KINH NGHIỆM. Ngoài ra, bạn cần kiểm tra trong Chương III - Tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu xem bên mời thầu có đưa thêm tiêu chí đánh giá hợp đồng tương tự ở đây không.

Các lưu ý quan trọng đối với hợp đồng tương tự bạn cần lưu ý là:

  • Tổng giá trị các hợp đồng tối thiểu là bao nhiêu?
  • Giá trị hợp đồng tối thiểu là bao nhiêu?
  • Bên mời thầu quy định như thế nào là hợp đồng tương tự?
  • Thời gian thực hiện hợp đồng là 3, 4 hay 5 năm trở lại đây?

Tài liệu chứng minh hợp đồng tương tự

Tài liệu chứng minh nhà thầu có kinh nghiệm triển khai hợp đồng tương tự bao gồm:

  • Hợp đồng kinh tế kèm phụ lục hợp đồng để bên mời thầu đánh giá tính chất tương tự
  • Biên bản thanh lý hợp đồng hoặc biên bản nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng

Để tránh việc nhà thầu khai báo không trung thực, một số bên mời thầu còn yêu cầu nhà thầu cung cấp hóa đơn giá trị gia tăng đã xuất cho hợp đồng đó.

Riêng đối với quy định thời gian thực hiện hợp đồng tương tự trong vòng 3, 4, hoặc 5 năm trở lại đây, bạn cần kiểm tra kỹ thời điểm hoàn thành (thời điểm ký biên bản thanh lý hoặc biên bản nghiệm thu đưa vào sử dụng) phải nằm trong khoảng thời gian 3, 4 hoặc 5 năm nêu trên tính từ thời điểm đóng thầu. Nếu trượt ra ngoài mốc này, hợp đồng tương tự của bạn sẽ bị đánh giá là không hợp lệ.

Trường hợp bạn làm thất lạc biên bản thanh lý hoặc biên bản nghiệm thu đưa vào sử dụng, bạn có thể liên hệ với bên mời thầu để xin giấy xác nhận hoàn thành hợp đồng / công trình và dùng nó thay thế cho 2 loại giấy tờ trên. Bạn lưu ý để ngày hoàn thành công trình như khuyến cáo ở bên trên nhé.

Số lượng hợp đồng tương tự hiểu như thế nào cho đúng?

Bạn sẽ thường xuyên gặp câu này: “Số lượng hợp đồng tương tự bằng 3 hoặc khác 3…” và sẽ thắc mắc vậy cụ thể là bao nhiêu hợp đồng?

Trong trường hợp này, bạn chỉ cần duy nhất 01 hợp đồng là đủ miễn là đáp ứng yêu cầu về tổng giá trị các hợp đồng. Nếu không đủ tổng giá trị yêu cầu, bạn sẽ cần chứng minh năng lực bằng các hợp đồng tương tự khác miễn là tổng các hợp đồng lớn hơn hoặc bằng giá trị yêu cầu và có ít nhất 01 hợp đồng đáp ứng giá trị tối thiểu. 

Nếu bạn có nhiều hợp đồng tương tự, bidwinner khuyên bạn nên đưa dự phòng thêm 02 hoặc 03 hợp đồng nữa. Lợi ích của việc này là làm tăng khả năng đáp ứng tính chất tương tự của gói thầu và giảm nguy cơ bị đánh trượt do hợp đồng tương tự không phù hợp về thời gian thực hiện, nhất là khi bạn làm thầu vội và không đủ thời gian kiểm tra.

Hợp đồng tương tự trong đấu thầu liên danh

Gói thầu của bạn sẽ trở nên phức tạp hơn rất nhiều khi bạn dự thầu với tư cách liên danh. Theo hướng dẫn tại Mục 2 Chương III Mẫu HSMT mua sắm hàng hóa số 02 ban hành kèm theo Thông tư số 05/2015/TT-BKHĐT ngày 6/5/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đối với nhà thầu liên danh thì năng lực, kinh nghiệm được xác định bằng tổng năng lực, kinh nghiệm của các thành viên liên danh song phải bảo đảm từng thành viên liên danh đáp ứng năng lực, kinh nghiệm đối với phần việc mà thành viên đó đảm nhận trong liên danh; nếu bất kỳ thành viên nào trong liên danh không đáp ứng về năng lực, kinh nghiệm thì nhà thầu liên danh được đánh giá là không đáp ứng yêu cầu.

Đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, thông thường bạn sẽ gặp Hồ sơ mời thầu cung cấp mặt hàng a, b, c... và yêu cầu nhà thầu phải có hợp đồng tương tự cung cấp mặt hàng a với giá trị hợp đồng tối thiểu là A và mặt hàng b với giá trị hợp đồng tối thiểu là B. Đối chiếu với năng lực nhà thầu của bạn sẽ xảy ra các trường hợp sau:

  • Bạn có đủ 2 hợp đồng tương tự cho mặt hàng a và b và đáp ứng yêu cầu về giá trị tối thiểu của mỗi hợp đồng. Chúc mừng! Bạn có thể tham gia dự thầu với tư cách độc lập
  • Bạn có đủ 2 hợp đồng tương tự cho mặt hàng a và b. Giá trị hợp đồng tương tự A đáp ứng yêu cầu, giá trị hợp đồng tương tự B nhỏ hơn giá trị tối thiểu yêu cầu. Trường hợp này bạn cần tìm đối tác liên danh thực hiện phần việc cung cấp toàn bộ mặt hàng B hoặc phần giá trị còn thiếu. Ví dụ, mặt hàng b yêu cầu cung cấp số lượng là 100 bộ. Nếu hợp đồng tương tự của bạn chỉ bằng 80% giá trị tối thiểu yêu cầu thì bạn cần liên danh với nhà thầu khác để thực hiện cung cấp 20% công việc còn lại. Trường hợp mặt hàng b không thể phân tách (1 bộ) thì bạn nên tìm đối tác liên danh cung cấp toàn bộ mặt hàng b.
  • Bạn có đủ 2 hợp đồng tương tự cho mặt hàng a và b nhưng giá trị các hợp đồng tương tự đều nhỏ hơn giá trị tối thiểu yêu cầu của bên mời thầu. Trường hợp này bạn nên tìm đối tác liên danh để thực hiện phần công việc còn lại như trường hợp mặt hàng b ở trên.
  • Bạn có đủ 2 hợp đồng tương tự cho mặt hàng a và b và hồ sơ mời thầu không yêu cầu giá trị hợp đồng tối thiểu cụ thể cho từng mặt hàng a và b mà chỉ yêu cầu tổng giá trị các hợp đồng tương tự đáp ứng giá trị tối thiểu yêu cầu. Bạn cần kiểm tra tổng giá trị hợp đồng tương tự có đáp ứng yêu cầu hay không. Nếu không đáp ứng, bạn cần liên danh với một nhà thầu khác.

Trường hợp bạn không có hợp đồng tương tự nào cho cả 2 mặt hàng a và b, vẫn có 2 trường hợp xảy ra như sau:

  • Ngoài 2 mặt hàng a và b, phạm vi cung cấp nêu trong HSMT còn có các hàng hóa c, d, e... khác mà không yêu cầu nhà thầu có hợp đồng tương tự thì bạn có thể tìm đối tác liên danh thực hiện phần công việc a và b. Còn bạn thực hiện toàn bộ phần công việc c, d, e... còn lại.
  • Phạm vi cung cấp nêu trong HSMT chỉ bao gồm 2 hàng hóa a và b: Trường hợp này bạn nên tìm gói thầu khác phù hợp hơn nhé. Ngoài ra, nếu bạn thấy lĩnh vực hàng hóa a và b có nhiều tiềm năng mở rộng, bạn có thể nhắm tới những gói thầu phù hợp (không yêu cầu hợp đồng tương tự cho mặt hàng đó) để từng bước xây dựng năng lực.

Ghi chú: Đây là chia sẻ kinh nghiệm từ thực tế gặp phải của thành viên trong team bidwinner để bạn tham khảo. Vui lòng không chia sẻ, dẫn chiếu thông tin. Bidwinner không chịu trách nhiệm về tính chính xác trong các thông tin ở trên.

Các tin cùng chuyên mục

Thông báo từ Bidwinner

Thư giãn cùng bidwinner

Các tình huống trong đấu thầu

Trợ lý số 4.0

Hướng dẫn sử dụng website muasamcong.mpi.gov

Kiến thức cơ bản về đấu thầu