Liên danh trong đấu thầu là vấn đề tương đối phức tạp đối với những nhà thầu mới tham gia đấu thầu. Sau đây bidwinner sẽ giúp quý nhà thầu hiểu rõ các quy định, lợi ích cũng như các lưu ý khi tham gia dự thầu với tư cách liên danh.

Liên danh trong đấu thầu là gì?

Liên danh trong đấu thầu là một hình thức hợp tác trên danh nghĩa của nhiều nhà thầu để cùng tham gia đấu thầu thực hiện các công việc giao thầu (cung cấp hàng hóa, dịch vụ hoặc công việc xây dựng) khi mà điều kiện năng lực của một nhà thầu độc lập không đủ để đáp ứng các yêu cầu nêu trong hồ sơ mời thầu của bên mời thầu.

Điều kiện năng lực có thể bao gồm:

  • Năng lực triển khai các công việc tương tự
  • Năng lực tài chính của nhà thầu
  • Máy móc phục vụ thi công

Sau đây chúng ta sẽ cùng tìm hiểu các trường hợp nhà thầu cần phải liên danh để đảm bảo đáp ứng yêu cầu về năng lực kinh nghiệm nêu trong hồ sơ mời thầu.

Những trường hợp nào nhà thầu cần phải liên danh

Thiếu năng lực triển khai các công việc tương tự

Đó là trường hợp nhà thầu không có hợp đồng tương tự cho một phần công việc giao thầu hoặc hợp đồng tương tự không đáp ứng giá trị tối thiểu yêu cầu nêu trong hồ sơ mời thầu. Trong trường hợp này, nhà thầu cần liên danh với một nhà thầu khác đã có kinh nghiệm triển khai thực hiện toàn bộ phần công việc (nếu nhà thầu không có hợp đồng tương tự) hoặc phần công việc còn thiếu (nếu hợp đồng tương tự của nhà thầu không đáp ứng giá trị tối thiểu yêu cầu).

 

Thiếu năng lực tài chính

Trường hợp hồ sơ mời thầu yêu cầu nhà thầu chứng minh khả năng huy động vốn tối thiểu để thực hiện gói thầu mà nhà thầu chỉ đáp ứng được một phần. Nếu nhà thầu chỉ đáp ứng một phần yêu cầu về vốn thì nhà thầu cần phải liên danh với một nhà thầu khác chứng minh khả năng đáp ứng được phần vốn còn thiếu. Trong trường hợp này, các thành viên liên danh cần phân chia công việc cho phù hợp với khả năng đáp ứng vốn dành cho gói thầu.

 

Thiếu máy móc cần huy động để thực hiện gói thầu

Trường hợp nhà thầu không chứng minh được khả năng huy động máy móc thực hiện gói thầu (sở hữu hoặc hợp đồng thuê máy móc) thì nhà thầu cần phải liên danh với một nhà thầu khác có khả năng huy động phần máy móc còn thiếu so với yêu cầu của hồ sơ mời thầu. Trong trường hợp này, nhà thầu cần phải phân chia phần công việc tương ứng với số lượng máy móc mà các thành viên liên danh có thể huy động được.

 

Những lợi ích khi tham gia dự thầu liên danh?

Căn cứ Mục 2, Chương III Thông tư 05/2015/TT-BKHĐT quy định tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu:

 

“Đối với nhà thầu liên danh thì năng lực, kinh nghiệm được xác định bằng tổng năng lực, kinh nghiệm của các thành viên liên danh song phải bảo đảm từng thành viên liên danh đáp ứng năng lực, kinh nghiệm đối với phần việc mà thành viên đó đảm nhận trong liên danh; nếu bất kỳ thành viên nào trong liên danh không đáp ứng về năng lực, kinh nghiệm thì nhà thầu liên danh được đánh giá là không đáp ứng yêu cầu. Đối với gói thầu chia thành nhiều phần độc lập, năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu sẽ được đánh giá tương ứng với phần mà nhà thầu tham dự thầu.”

 

Như vậy, lợi ích rõ ràng nhất cho nhà thầu đó là khả năng tham gia những gói thầu vượt quá năng lực hiện tại của nhà thầu. Khi trúng thầu và hoàn thành công việc triển khai một dự án lớn, nhà thầu sẽ học hỏi, tích lũy thêm kinh nghiệm triển khai các dự án trong tương lai.

 

Trong thực tế, một số thành viên liên danh sau khi hoàn thành hợp đồng đã khéo léo thay đổi giá trị phần công việc thực hiện trong liên danh và dùng hợp đồng cùng thỏa thuận liên danh (đã điều chỉnh) để tham gia các gói thầu tiếp theo. Đây là một hành vi gian lận giúp nhà thầu tăng năng lực rất nhanh nhưng tiềm ẩn rủi ro lớn cho bên mời thầu nếu không kiểm tra hợp đồng liên danh kỹ trong khi chấm thầu.

Quy định về phân chia công việc trong thỏa thuận liên danh

Phân chia công việc trong liên danh luôn là một vấn đề tốn nhiều thời gian tính toán và thỏa thuận của các nhà thầu. Trong thỏa thuận liên danh Nhà thầu cần phải nêu rõ nội dung công việc cụ thể từng thành viên trong liên danh đảm nhận và phải đảm bảo phù hợp với năng lực kinh nghiệm của từng thành viên. Ngoài ra, nhà thầu còn phải tính toán giá trị phần công việc tương ứng của từng thành viên để tính toán giá trị bảo đảm dự thầu (trường hợp các thành viên trong liên danh làm bảo đảm dự thầu riêng rẽ) và nguồn lực tài chính cho gói thầu cho phù hợp.

 

Nhà thầu cần đọc kỹ Mẫu số 03 - Tiêu chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm (Chương IV Biểu mẫu dự thầu và mời thầu) để nắm rõ yêu cầu của bên mời thầu đối với từng thành viên liên danh và toàn bộ liên danh:

  • Lịch sử không hoàn thành hợp đồng
  • Năng lực tài chính (Kết quả hoạt động tài chính, Doanh thu bình quân hàng năm từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, Yêu cầu về nguồn lực tài chính cho gói thầu)
  • Kinh nghiệm thực hiện hợp đồng cung cấp hàng hoá, dịch vụ tương tự


 

Phân biệt thầu phụ và liên danh

Trong quá trình nghiên cứu hồ sơ mời thầu, nhà thầu thường gặp tình huống sau: nhà thầu không đủ năng lực tham gia gói thầu với tư cách độc lập nhưng đối tác của họ (nhà thầu khác) có năng lực kinh nghiệm đáp ứng phần năng lực còn thiếu của nhà thầu. Tuy nhiên, nhà thầu không muốn liên danh với đối tác này mà định kê khai đối tác là nhà thầu phụ thì năng lực của nhà thầu có đáp ứng HSMT hay không?

 

Theo Thông tư số 03/2015/TT-BKHĐT ngày 6/5/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

 

Năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu phụ sẽ không được xem xét khi đánh giá hồ sơ dự thầu của nhà thầu chính (trừ trường hợp hồ sơ mời thầu quy định được phép sử dụng nhà thầu phụ đặc biệt). Bản thân nhà thầu chính phải đáp ứng các tiêu chí về năng lực và kinh nghiệm (không xét đến năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu phụ).

 

Do vậy, để đáp ứng yêu cầu về năng lực và kinh nghiệm nêu trong hồ sơ mời thầu thì nhà thầu bắt buộc phải liên danh với đối tác của mình để tham dự thầu.

6. Lưu ý quan trọng khi làm hồ sơ dự thầu liên danh

Quy định về việc đặt tên liên danh

Hiện không có quy định nào về cách thức đặt tên viết tắt cho liên danh. Bạn có thể đặt tùy ý tuy nhiên nên chọn tên liên danh chứa tên thương hiệu của các thành viên liên danh. Ví dụ: Liên danh nhà thầu Thuận Thiên - Đại Phát.

Bảo đảm dự thầu trong liên danh

Khoản 6, Điều 11 Luật Đấu Thầu quy định: Trường hợp liên danh tham dự thầu, từng thành viên trong liên danh có thể thực hiện bảo đảm dự thầu riêng rẽ hoặc thỏa thuận để một thành viên chịu trách nhiệm thực hiện bảo đảm dự thầu cho thành viên đó và cho thành viên khác trong liên danh. Tổng giá trị của bảo đảm dự thầu không thấp hơn giá trị yêu cầu trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.

 

Liên danh của bạn có thể lựa chọn 1 trong 2 cách lập bảo đảm dự thầu sau:

 

  • Một thành viên (thông thường là thành viên đứng đầu liên danh) làm bảo đảm dự thầu cho cả liên danh
  • Từng thành viên trong liên danh lập bảo đảm dự thầu riêng rẽ tương ứng với giá trị phần công việc đảm nhận.

Trường hợp lập bảo đảm dự thầu riêng rẽ, bạn cần phải đảm bảo giá trị bảo đảm dự thầu của từng thành viên liên danh phải tương ứng với giá trị phần công việc đảm nhận trong liên danh và tổng giá trị bảo đảm dự thầu của tất cả các thành viên liên danh không nhỏ hơn giá trị bảo đảm dự thầu nêu trong HSMT

Quý nhà thầu có thể tham khảo các sai lầm cần tránh khi lập bảo đảm dự thầu tại đây!

Bảo lãnh thực hiện hợp đồng và bảo lãnh tiền tạm ứng trong hồ sơ dự thầu liên danh

Các thành viên trong liên danh có thể ủy quyền một thành viên trong liên danh thực hiện các biện pháp bảo đảm trên hoặc tiến hành riêng rẽ theo giá trị phần công việc đảm nhiệm trong liên danh. Vấn đề này các thành viên trong liên danh cần trao đổi và thống nhất khi lập thỏa thuận liên danh.

Nếu quý nhà thầu chưa từng lập hồ sơ dự thầu liên danh qua mạng có thể tham khảo thêm:

Hướng dẫn lập hồ sơ dự thầu liên danh

Có thể bạn quan tâm

  • Thành viên đứng đầu liên danh có phải thực hiện phần công việc nhiều hơn?

    Luật đấu thầu không quy định là thành viên đứng đầu liên danh có phải là đơn vị thực hiện phần công việc nhiều hơn trong gói thầu mà nó tùy thuộc vào sự thỏa thuận các bên tham gia liên danh trong đấu thầu

  • Khi nào nhà thầu liên danh không được hoàn trả bảo đảm dự thầu?

    Khoản 6 điều 11 Luật đấu thầu 2013 quy định: Trường hợp liên danh tham dự thầu, từng thành viên trong liên danh có thể thực hiện bảo đảm dự thầu riêng rẽ hoặc thỏa thuận để một thành viên chịu trách nhiệm thực hiện bảo đảm dự thầu cho thành viên đó và cho thành viên khác trong liên danh. Tổng giá trị của bảo đảm dự thầu không thấp hơn giá trị yêu cầu trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu. Trường hợp có thành viên trong liên danh vi phạm quy định tại khoản 8 (Điều 11 Luật đấu thầu 2013) thì bảo đảm dự thầu của tất cả thành viên trong liên danh không được hoàn trả.

Các tin cùng chuyên mục

Thông báo từ Bidwinner

Thư giãn cùng bidwinner

Các tình huống trong đấu thầu

Trợ lý số 4.0

Hướng dẫn sử dụng website muasamcong.mpi.gov

Kiến thức cơ bản về đấu thầu